Tiêu đề: Nước mắt những 'sĩ tử lớp 13’ Sat Jul 11, 2009 5:38 pm
Nước mắt những 'sĩ tử lớp 13’
- Cánh cửa vào Đại học từng bị đóng lại một lần, bước vào cuộc “chinh chiến” lần hai và tiếp tục đối mặt với kết quả không mong muốn, những “sĩ tử lớp 13” dường như càng thấm thía hơn nước mắt của sự thất bại.
Hình minh hoạ
“Nhiều lúc, em chỉ muốn chết thôi”
Tại một quán cơm trên phố Khương Trung (HN) mấy hôm nay có thêm một nhân viên mới. Cô gái mặt trẻ măng, xin xắn, cũng chẳng giống con nhà lam lũ, khắc khổ, bôn ba đi làm thuê, làm mướn. Do chưa quen việc, lóng ngóng, nên lúc thì chậm chạp, lúc nhanh quá cô lại sơ ý làm đổ, làm vỡ bát đĩa. Bị chủ mắng, mắt cô ngấn nước, gương mặt tủi thân nhìn đến là tội nghiệp.
Đợi lúc quán đã nghỉ, tôi lại gần hỏi chuyện. Lúc đầu, cô từ chối: “Em có gì mà kể đâu”, nhưng suy nghĩ một lúc, cô lại bảo: “Mà thôi, nói cũng được, em không có ai để nói chuyện nên buồn lắm”.
Hương – tên cô gái ấy quê ở Hà Nam, con một chủ tịch xã, gia đình cũng khá giả, từ bé đến lớn bố mẹ chỉ “khoán” cho mỗi việc học. “Thế nhưng em học kém lắm, chẳng hiểu sao cố mãi mà vẫn thế”. Giọng buồn buồn, Hương kể thêm: “Bố em là trưởng họ, lại có vai vế ở quê nên luôn muốn em phải đỗ thật cao cho ‘mát mặt’ với mọi người. Biết sức mình, học xong cấp 3 em xin bố cho ở nhà, học nghề gì đó, hoặc phụ bán hàng với mẹ, nhưng bố nổi giận, rồi bảo: ‘Nếu thế thì mày đừng làm con tao’. Nghe lời bố em đi thi, 14 điểm/3 môn, trượt”.
“Khỏi phải nói cũng biết bố em giận dữ đến mức nào. Suốt mấy tháng trời, không khí gia đình em lúc nào cũng căng thẳng, bố không thèm nói với em bất cứ một câu nào, cũng coi như không có em trong nhà. Sau đó, mẹ nói lại là bố bảo em thi năm nữa, và phải đỗ”.
Nói đến đây, Hương không kìm được nước mắt, nức nở: “Cả năm vừa rồi, em có ôn được chữ nào vào đầu đâu, đến ngày thì xin phép ra Hà Nội một mình. Em đăng ký trường Khoa học Tự nhiên, nhưng bỏ thi. Biết trước điểm rồi, thi làm gì cho xấu hổ hả chị”.
“Thế em không định về quê à? Sao lại đi làm thế này?” – “Em vừa sợ, vừa không dám, cũng không muốn về nhà. Số tiền mang đi chủ đủ thuê trọ, để dành một ít, không đi làm thì lấy gì mà ăn”.
Chia tay Hương, tôi vẫn còn bị ám ảnh vì câu cô nói: “Nhiều lúc em chỉ muốn chết thôi, nhưng nếu em làm thế, chắc mẹ em sẽ buồn lắm…”.
Nước mắt của mẹ
Bến xe Lương Yên chiều qua, có 2 mẹ con tay xách nách mang, mắt mũi ướt nhèm, vừa đi vừa giằng co nhau khiến nhiều người quay lại nhìn với ánh mắt ái ngại. Người mẹ cố gắng kéo đứa con trai, luôn miệng nói: “Đi nhanh lên, còn thi với cử cái gì nữa”. Cậu con kéo lại, sụt sịt: “Con không đi, kiểu gì con cũng không đi”. Cứ như thế một lúc lâu dưới cái nắng gay gắt, dáng người mẹ liêu xiêu vì mệt lả…
Tìm một chỗ râm mát để nghỉ ngơi, người phụ nữ đưa tay quệt nước mắt, kể: “Nhà tui mãi tận Thanh Hoá, có mấy sào ruộng mà đến 7 miệng ăn. Nó là con cả, năm trước trượt bảo đi làm phụ giúp bố mẹ, nhưng nhất quyết đòi ôn thêm năm nữa. Năm nay tui lại phải chạy vạy khắp nơi đưa nó đi thi, nhưng môn nào nó cũng ra sớm, có làm được bài đâu. Bây giờ bảo cho nó ra Hải Phòng, nhà bà dì, nhờ kiếm việc hộ nhưng nó cứ khăng khăng không chịu. Nó nằng nặc đòi về, ôn thi năm nữa…”.
Cậu con trai nói với tôi bằng giọng lí nhí: “Em không đi, hè năm trước ở đó mấy tháng rồi, bảo kiếm việc cho mà toàn nấu cơm, rửa bát, lau nhà, chẳng khác gì ô sin cả. Em muốn đi học, kiểu gì em cũng phải thi đỗ, quê em nghèo và khổ lắm…”.
Không thắng được cậu con trai khoẻ mạnh, người mẹ đành phải chiều ý. Lại thêm một năm đèn sách, bố mẹ lại thêm một năm vất vả, nhưng liệu cậu có đạt được mơ ước, khi thật thà: “Năm trước em được 12 điểm, năm nay đề khó quá, làm bài còn chán hơn…”.
"Hỏng" vì yêu?
Câu chuyện của “sĩ tử lớp 13” tên Mai (Bắc Giang) cũng não nề chẳng kém. Đúng năm lớp 12, nước sôi lửa bỏng thì tình yêu với cậu bạn lớp bên khiến Mai học hành sa sút hẳn. Ngày đi thi, cả hai khăn gói ra Hà Nội với quyết tâm đỗ đạt để được gần nhau. Tuy nhiên, chỉ có cậu bạn dã đạt được “mục tiêu”, còn Mai thi trượt.
Ở nhà một thời gian, không chịu nổi những lời ra tiếng vào của mọi người, lại mang tiếng “hỏng vì yêu”, Mai đâm ra buồn chán và quyết định ra Hà Nội, ở luôn một nhà với người yêu.
Bố mẹ từ mặt, anh chị trách móc, Mai chỉ còn mỗi cậu bạn là chỗ dựa duy nhất. Anh chàng sinh viên năm nhất mà tất bật không khác gì một “ông chồng” thực thụ, đi làm thêm đủ việc để có thêm tiền nuôi “cô vợ” ở nhà ôn thi. Không nỡ để mình người ta vất vả, Mai cũng tranh thủ kiếm việc, rồi tất bật với cơm nước giặt giũ, thi thoảng lại giận hờn, cãi vã, suy nghĩ… Cả năm trời, Mai chẳng “nhét” được mấy chữ vào đầu.
Kết thúc môn cuối, “anh chồng” ra đón tại cổng ĐH KHXH&NV, nhìn mặt tiu nghỉu của Mai từ xa, cũng quay mặt đi thở dài thườn thượt: “Em động viên cô ấy cố đỗ năm nay, bố mẹ bỏ qua và giúp đỡ cho 2 đứa đỡ khổ, cứ thế này, em cũng chẳng học nổi. Nhưng bây giờ thì chẳng biết phải tính như thế nào đây”...
Nước mắt những 'sĩ tử lớp 13’
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Viết "Tiếng Việt" để tôn trọng văn hoá VN Không
nên viết toàn tiếng Anh hay tiếng nước ngoài Bài vi phạm sẽ bị chuyển đến ßãi rác